Trường Đại học Y Hà Nội (tiếng Anh: Hanoi Medical University – HMU) là một trường đại học đầu ngành chuyên ngành y khoa tại Việt Nam. Trường có sứ mạng đào tạo bác sĩ, cử nhân có trình độ đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y dược, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực Đồng bằng sông Hồng. Được xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế.
Tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội là École de Médecine de Hanoi (Trường Y khoa Hà Nội) do Pháp thành lập năm 1902. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là Bác sĩ Alexandre Yersin. Cùng với các trường chuyên ngành đã được thành lập cùng thời kỳ đó, như Trường Dạy nghề Hà Nội (École Professionelle de Hanoi) do Phòng Thương mại Hà Nội lập ra vào năm 1898, Trường Hậu bổ Hà Nội (École d’Aministration de Hanoi) năm 1897, Trường Công chính (École des Travaux Publics) năm 1902, đây là một trong những trường đào tạo theo lối giáo dục phương Tây đầu tiên ở Việt Nam.[2] Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau thành lập Viện Đại học Đông Dương, Trường Y khoa Đông Dương trở thành một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương và vẫn tiếp tục đào tạo sau khi viện đại học này tạm ngừng hoạt động từ năm 1908. Năm 1913, Toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định thành lập Trường Y Dược khoa Đông Dương trên cơ sở Trường Y khoa cũ. Cho tới năm 1914, trường đã đào tạo được 237 y sĩ, y tá và nữ hộ sinh.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trường Y khoa nguyên thủy đặt tại đường Lê Thánh Tông, và đằng sau trường là bệnh viện thực hành nay mang tên Bệnh viện 108. Năm 1945, Trường đổi tên thành Trường Đại học Y Dược Hà Nội. Dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giáo trình đổi theo mô hình giáo dục Liên Xô. Ngoài việc đào tạo chuyên môn, trường theo đuổi học tập chính trị qua những đợt chỉnh huấn, tham gia “học tập công nông”. Năm 1958, 1/6 thời giờ học trình dành cho việc học tập chính trị. Từ sáu năm học, học trình rút xuống còn bốn năm nhưng đến năm 1962 thì trở lại chương trình sáu năm vì phẩm chất kém. Tuy nhiên, 12% thời giờ vẫn là học chính trị và khi tốt nghiệp sinh viên không trình luận án mà thi hai phần: chuyên môn và chính trị để ra trường. Năm 1961, Trường Đại học Dược Hà Nội tách ra và lấy khuôn viên này, Trường Đại học Y Hà Nội chuyển đến số 1 đường Tôn Thất Tùng và ở đó cho đến nay, cạnh Bệnh viện Bạch Mai. Từ 1968 đến 1975, trường quản lý phân hiện tại tỉnh Bắc Thái mang tên Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi, nay là Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Hiện tại, nó cũng có cơ quan nằm trong Bệnh viện Việt Đức.
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cơ sở thực nghiệm của Trường Đại học Y Hà Nội, đã được đưa vào hoạt động năm 2007. Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hoá, đây là viện quốc gia do Bộ Y tế thành lập theo quyết định 1368/QĐ–BYT ngày 27/4/2010. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo, khám chữa bệnh, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống bệnh đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hoá. Nhà trường đã kỷ niệm 110 năm thành lập vào năm 2012. Ngày 15 tháng 12 năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại Học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, có địa chỉ tại Phố Quang Trung 3 – Phường Đông Vệ – TP Thanh Hóa.
Cơ sở
Cơ sở Hà Nội
Số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam.
Cơ sở Thanh Hóa
Phố Quang Trung 3 – Phường Đông Vệ – TP Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Đội ngũ cán bộ
Gồm có hơn 1000 cán bộ giảng dạy và công chức, viên chức: 711 cán bộ có trình độ trên đại học và sau đại học (trong đó có 154 Giáo sư Phó giáo sư, 80 Tiến sĩ, 237 Thạc sĩ, 25 BSCKII, 17 BSCKI, 236 cán bộ đại học, 25 cán bộ cao đẳng, 122 cán bộ trung học) và rất nhiều các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương (Bạch Mai, Nhi trung ương, Việt Đức,…) làm giảng viên kiệm nhiệm giảng dạy thực hành tại bệnh viện.
Hiệu trưởng qua các thời kỳ: Hồ Đắc Di (1945–1976), Nguyễn Trinh Cơ (1976–1983), Nguyễn Năng An (1983–1985), Hoàng Đình Cầu (1985–1988), Nguyễn Thụ (1988–1993), Tôn Thất Bách (1993–2003), Nguyễn Lân Việt (2003–2007), Nguyễn Đức Hinh (2008–2018), Tạ Thành Văn, Đoàn Quốc Hưng (phụ trách) (2018 – 2021), Nguyễn Hữu Tú (từ tháng 11/2021 – nay).
Đào tạo đại học
Bác sĩ Y khoa
Bác sĩ Y học cổ truyền
Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt
Bác sĩ Y học dự phòng
Cử nhân Kỹ thuật y học (Xét nghiệm y học)
Cử nhân Điều dưỡng (và hệ Cử nhân Điều dưỡng tiên tiến)
Cử nhân Y tế công cộng
Cử nhân Dinh dưỡng
Cử nhân Khúc xạ nhãn khoa
Thành tích và hợp tác
Tính đến năm 2007, trường đã đào tạo trên 17.000 bác sĩ chính quy, khoảng 10 ngàn học viên sau đại học.
Trường phát triển những mũi nhọn của y học chuyên sâu như tim mạch, ghép tạng… một mặt phát triển những nghiên cứu của sức khoẻ cộng đồng, mở rộng hợp tác đa phương với hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới như Pháp, Mỹ, Hà Lan, Thuỵ Điển, Úc, Indonesia, Nhật Bản… để du nhập công nghệ mới.
Trường Đại học Y trong thời chiến đã cung cấp đầy đủ số lượng bác sĩ cho các mặt trận và các vùng tự do. Những bác sĩ tốt nghiệp trong giai đoạn này, sau này đều trở thành lực lượng nòng cốt của nền y học Việt Nam.
Cán bộ: Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với làn sóng rời nước của viên chức Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, nhiều người đã vào Sài Gòn để đảm nhiệm chức vụ quản lý và giảng dạy tại trường này.
Hướng nghiên cứu
Nghiên cứu ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ mới, các kỹ thuật nuôi cấy, bảo quản mô phôi và tế bào, ưu tiên cho tế bào gốc để phục vụ chẩn đoán, điều trị và dự phòng.
Nghiên cứu ứng dụng y sinh học phân tử vào chẩn đoán và điều trị.
Nghiên cứu tạo ra các sản phẩm sinh học, bán tổng hợp và tổng hợp phục vụ cho chẩn đoán, điều trị và dự phòng với các bước khác nhau.
Nghiên cứu các giải pháp phát hiện bệnh sớm, các yếu tố nguy cơ và các biện pháp can thiệp nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thực hiện các mũi nhọn khoa học công nghệ của Nhà nước và ngành trên cơ sở phục vụ cộng đồng, xã hội nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tập trung nghiên cứu lĩnh vực y sinh học phân tử và một số bệnh di truyền, chuyển hóa, nội tiết (đái tháo đường…) và một số bệnh khác như bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần…